Hoạt động đoàn thể

Ban Mê thương nhớ

Thứ hai, 26/09/2011, 14:58 GMT+7

Có cái nắng, có cái gió, có nỗi nhớ không mang tên…

Kể từ ngày bắt đầu thành lập Ban quản lý dự án thuỷ điện Srêpok 4, đã có biết bao thanh niên từ khắp mọi miền đất nước về đây: Phú Thọ, Hải Dương, Hà Tây, Hà Nội, Nghệ An, Quảng Trị, Bình Định, Ninh Thuận… Cùng những người con của núi rừng Tây Nguyên, anh chị em sát cánh bên nhau xây dựng bên dòng Serepok huyền thoại một nhà máy thuỷ điện có công suất 80 MW. Điện sẽ từ nhà máy này toả đi khắp Tây Nguyên, giúp làm giàu cho miền đất hào hùng và thơ mộng này.

Từ mọi miền Tổ quốc, đến với Tây Nguyên, để rồi bị men say café, những thác nước hùng vĩ, những con suối hiền hoà, phố núi xanh mướt và tình cảm của người dân cao nguyên bazan nhiệt huyết mà chân thành níu kéo, Buôn Ma Thuột đã trở hành quê hương thứ hai của anh chị em Ban quản lý dự án thuỷ điện Srêpok 4.

Những ngày đi kiểm đếm, đền bù giải phóng mặt bằng là những ngày gian nan vất vả nhất. Công việc này chỉ có các cậu nam thanh niên của Ban quản lý mới kham nổi. Những ngày phải chèo thuyền qua sông đến với bà con dân tộc trong buôn xa, phải qua những khúc sông nối giữa hai tỉnh Đắc Lắc và Đắc Nông. Dòng sông Serepok thường chảy rất xiết, đây cũng là điều kiện để cá lăng đỏ sinh sống, loài cá lăng Serepok đã được vào danh sách cá quý của Việt Nam. Có những ngày đi thuyền qua sông, anh em bắt được cả những con cá lăng nặng vài chục ký.


Cá bắt được mang về, thế nào rồi tất cả cán bộ nhân viên của Ban quản lý cũng được một bữa liên hoan thật ngon với tài chế biến của chị em phụ nữ. Chỉ duy nhất có một lần, anh em mang về 1 con cá nặng tới 40kg, chị em nhìn thấy sợ quá chạy hết, mấy cậu nam thanh niên phải xắn tay vào bếp. Những ngày đi vào rừng, vào bản, đôi lần anh em mang về cả những con trăn, chúi, chồn, ba ba… Tháng nào bếp ăn tập thể cũng được một lần tưng bừng, rộn ràng.

Đến với Tây Nguyên, hàng ngày công việc gắn với dòng sông này, anh chị em có dịp biết về huyền thoại của dòng sông chảy ngược của Việt Nam.

Không theo quy luật từ cội nguồn xuôi dòng đổ ra biển như các dòng sông khác, dòng sông Serepok của miền rừng Tây Nguyên lại chảy ngược lên hướng thượng nguồn và sang đất Campuchia trước khi hợp vào dòng Mekong, xuôi về miền Tây Nam Bộ rồi mới hòa vào biển lớn.

Dòng sông khúc này chảy rất thơ mộng, hai bên là cỏ cây, giữa dòng là những tảng đá nhấp nhô. Trông thì hiền hoà vậy thôi nhưng dòng nước chảy xiết lắm. Những ngày mưa to, vào mùa lũ… thì dòng sông hung dữ lắm, nước sông cuồn cuộn ngầu bọt trắng xoá, dòng chảy thật mạnh như muốn cuốn đi tất cả những gì cản trở trên đường đi của nó.

 

Chuyện kể rằng: theo truyền thuyết, dòng Serepok chỉ chảy quanh co và yên ả qua đại ngàn. Rồi 1 ngày kia, có đôi trai gái ở buôn K’Ốp yêu nhau nhưng không được gia đình chấp thuận vì mối hiềm khích lâu đời của 2 họ. Để giữ vẹn mối tình chung thuỷ của mình, chàng trai và cô gái đã lao xuống dòng Serepok quyên sinh. Ngày hôm đó, dòng Serepok bỗng nhiên ầm ào cuộn chảy, gào thét vang vọng núi rừng. Và rồi dòng sông đã tách thành 2 nhánh, 1 bên đổ vào thác DraySap và 1 bên đổ vào thác DrayNur.

Cách TP Buôn Ma Thuột gần 30km, theo hướng về TP Hồ Chí Minh, thác Dray Nur khiến du khách không khỏi ngỡ ngàng, ngất ngây trước vẻ đẹp thiên nhiên, ghi dấu một tình yêu vĩnh cửu.


Những đứa trẻ con em nhân viên Ban quản lý cũng rất khoái những chuyến du lịch tới các danh lam thắng cảnh của Đắc Lắc. Thác Dray Sap là một trong những nơi mà chúng thích nhất. Thác Dray Sáp hay còn gọi là thác Khói vì nơi đây quanh năm lãng đãng khói nước bay.


Lần đầu được cưỡi trên lưng voi đi ngất ngưởng trong bản, bọn trẻ con đã vô cùng khoái chí. Ngồi trên bành voi, nghiêng ngả theo nhịp bước của voi mẹ, voi con, lại còn được cho chúng nó ăn mía nữa. Ở thành phố lớn làm gì có chuyện đó đâu, ở thành phố lớn chỉ có thể từ xa nhìn voi trong chuồng của khu công viên thôi.

 

Hầu hết nhân viên Ban quản lý của những ngày đầu thành lập là những thanh niên mới ra trường, trẻ trung và tràn đầy nhiệt huyết. Tham gia công trình từ những ngày đầu cho đến khi hoàn thành dự án, anh chị em đã trải qua bao sự kiện quan trọng.

Lễ khởi công xây dựng Nhà máy thuỷ điện Srepok 4 là sự kiện quan trọng đầu tiên và tràn đầy kỷ niệm trong mỗi chàng trai, cô gái Srepok 4.

 

Những tháng ngày này cũng là lần đầu tiên anh chị em được tận mắt nhìn thấy những ngôi nhà sàn dân tộc, có ở khắp những buôn làng trong địa bàn. Một cán bộ nhân viên của Ban quản lý cũng là người dân tộc. Thật thú vị được tới thăm và tận mắt quan sát  một ngôi nhà sàn điển hình như thế này.

Những ngày tháng đi kiểm đếm, đền bù giải phóng mặt bằng là những ngày “thực tập” của cán bộ nhân viên Ban quản lý. Công việc này hầu như mọi người đều lần đầu tiếp cận, cái gì cũng mới mẻ, tự mình làm và đúc rút kinh nghiệm dần.

Thôn xa, bản nhỏ, bà con dân tộc thiểu số không biết tiếng Kinh, nhiều người không biết chữ… nhiều khó khăn lắm đối với anh chị em đi làm việc với dân. Mùa lũ về, có khi xe của anh chị em còn bị kẹt giữa đồng không mông quạnh. Những ngày đầu đi kiểm đếm còn bị đồng bào đuổi đánh... Nhưng dần dần, anh em đã được bà con dân tộc thương. Có những lần nhận tiền đền bù xong, bà con kéo cả đoàn của Ban quản lý vào nhà nấu cơm cho ăn, hái quả ngoài vườn bắt xách mang về.

Người dân tộc thật thà lắm, cái chữ có thể không biết nên phải ấn tay vào mực điểm chỉ thay cho chữ ký, nhưng tiền đền bù trả nhầm thì họ ngồi chờ để trả lại bằng được.


Nhà máy được xây dựng trên địa bàn Buôn Đôn. Ở đây, ngoài khai thác du lịch, dân huyện Buôn Đôn còn sinh sống bằng trồng café và trồng điều, trồng tiêu. Những ngôi nhà sàn vách gỗ hay những ngôi nhà xây mái dốc tràn đầy cây xanh mát mắt, màu xanh tràn  ra cả hai bên đường lớn.

Suốt những con đường của huyện Buôn Đôn, đâu đâu cũng thấy những vườn café rợp bướm vàng bay. Những vườn cafe hoa trắng toả hương thơm ngát ven đường thật lãng mạn và nồng nàn hương thơm.

 
Sống ở Đắc Lắc, có thể nói hương café đi vào trong từng giấc ngủ, vị café đậm đà trong trí nhớ.


Phố núi với những quán café ngập tràn màu xanh cỏ cây hoa lá và hương vị café. Hiếm có nơi nào có được khoảng không gian mở quán café mà lại rộng rãi như thế ở Buôn Ma Thuột. Bất cứ con đường nào cũng có những quán café trồng tre, trồng trúc và những giàn cây hoa dây leo um tùm.

 
Có lẽ chỉ ở Buôn Ma Thuột mới thấy những quán cafe có dòng suối thanh thản chảy ngang qua, những quán café bên lưng chừng đồi xanh mát mắt, những quán café cuối con đường dốc đá…

 

Tất cả đã trở thành hình ảnh thân thuộc mỗi khi đi xa miền đất cao nguyên…

Con người Ban Mê chân thành, giản dị, sống hết mình với hoài bão lớn. Ba năm xây dựng dự án, Ban quản lý dự án thuỷ điện Srepok 4 đã trở thành gia đình chung của tất cả cán bộ nhân viên, của những người con miền cao nguyên lộng gió và của những người đến đây với mong muốn xây dựng Tây Nguyên ngày càng giàu đẹp hơn. Cũng từ những ngày xây dựng công trình, biết bao thanh niên đã thành đôi lứa, biết bao đám cưới đã diễn ra trong bầu không khí thân thương, chia xẻ.

Có những cán bộ nhân viên  tìm được tình yêu từ những ngày đi kiểm đếm, đền bù giải phóng mặt bằng.


Đám cưới xóm đạo lãng mạn và dịu dàng…

 

Những chàng trai từ ngày đầu vào làm tại Ban quản lý còn là những chàng trai độc thân nghịch ngợm, nay đã trở thành những người chồng, người cha có trách nhiệm với gia đình.


Những cô gái Srêpok 4 nhí nhảnh dễ thương ngày nào còn đi coi thi ở Hội An.


Nay cũng đều đã trở thành những người vợ, người mẹ, được thiên nhiên miền núi ưu ái giữ cho nhan sắc mãi vẫn trẻ trung xinh đẹp.

 
Chị em phụ nữ ngoài nhiệm vụ gia đình còn hết mình vì công việc. Từ những việc sự vụ hành chính tại trụ sở Ban quản lý cho tới tổ chức sự kiện tại công trường, chị em đều tham gia nhiệt tình và góp rất nhiều công cho các sự kiện của Công ty thành công rực rỡ.

 


Ban Mê ơi, thương và nhớ lắm những kỷ niệm, những khoảnh khắc bình yên…

 
Nhớ mãi bướm vàng chấp chới trên phố, nhớ mùi hương café len lỏi trong từng ngõ nhỏ, nhớ Ngã Sáu Ban Mê thân quen lưu giữ lịch sử.


Nhớ mãi những hình ảnh đậm nét nhân văn của Thiên đường café .


Nhớ mãi cuộc sống thanh bình trong tiếng cười con trẻ.


Nhớ mãi Ban Mê …


Người viết : Hoàng Mai

Các tin khác :